Chúng ta đang vô tình bỏ quên điều duy nhất để có được hạnh phúc thực sự

Ngày Quốc Tế Hạnh phúc vừa qua, tôi đã đặt câu hỏi cho những người xung quanh mình, rằng đối với họ hạnh phúc là gì. Có rất nhiều những định nghĩa, những khoảng khắc, những mong mỏi, nhưng hầu hết đều có một điểm chung khiến tôi không thể không suy nghĩ. Hạnh phúc thật ra cũng mang chiếc mặt nạ kín mít, đánh lừa con người bằng sự khó nắm bắt của mình.

Cô Lan bán bánh khúc đầu ngõ tâm sự rằng cô chỉ thật sự hạnh phúc khi con gái mình có được tấm chồng tử tế. Anh Tâm hàng xóm bảo hạnh phúc là khi vợ không còn cáu gắt mỗi sáng tất bật chuẩn bị cho con cái đi học nữa. Bé đồng nghiệp nhí nhảnh ở cơ quan lại bảo hạnh phúc là khi đủ tiền đi phượt một chuyến khắp châu Âu…

Những điều khiến chúng ta cho là hạnh phúc, bất ngờ thay lại đều là những điều ta không thể điều khiển và nắm bắt được. Hạnh phúc của chúng ta, trớ trêu thay lại là do người khác mang tới, do những vật ngoại thân tạo ra.

Cảm giác hạnh phúc là một sự đánh lừa của cơ thể

Có một vài ý kiến cho rằng cảm giác hạnh phúc có thể phản ánh lên não bộ và chất dẫn truyền thần kinh serotonin đóng vai trò đó. Những người có cơ thể tiết ra nhiều serotonin có xu hướng hạnh phúc hơn, mà những người đó lại là những cá nhân hoặc dân tộc thiểu số. Điều này chứng minh một điều, con người càng có cuộc sống hiện đại, càng tiếp cận với công nghệ tiên tiến thì lại càng ít hạnh phúc hơn.

Tuy nhiên có một sự thật phũ phàng là, đôi khi chính Serotonin lại không nhận ra được tín hiệu của hạnh phúc. Ta cười khi hạnh phúc và khóc khi buồn, nhưng nếu bạn cười khi bạn buồn và khóc khi hạnh phúc thì sao?

Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng tiểu thuyết gia người Nhật, Akira Tachibana của tạp chí Bungei Shunju thừa nhận là, nụ cười và nước mắt lại được chúng ta nhận biết sau khi chúng ta bắt đầu cười và khóc. Người ta thường đánh giá chúng ta cười để nói lên mình hạnh phúc đến mức nào, giống như việc cầm một ly nước trong tay và nói rằng bạn khát. Nhưng trên thực tế không phải lúc nào bạn cười cũng nói lên bạn thực sự hạnh phúc, hay bạn uống nước cũng có nghĩa là bạn thực sự khát.

Vậy nên Tachibana cho rằng “ý thức là một ảo giác”, “cái tôi thực sự của con người là vô thức”. Phân tâm học đã nói từ lâu rằng chúng ta không hẳn giống như những gì chúng ta nghĩ. Cái mà chúng ta nghĩ là sẽ khiến chúng ta hạnh phúc, thật ra lại không mang lại hạnh phúc như chúng ta tưởng.

Dan Gilbert, tác giả của cuốn sách Stumbling on Happiness (Tình cờ hạnh phúc – tạm dịch) đã đưa ra ví dụ về mức độ hạnh phúc của hai nhóm người: vừa trúng sổ xố độc đắc và bị liệt hai chân. Nếu được lựa chọn, chúng ta sẽ đều chọn trường hợp trúng sổ xố sẽ hạnh phúc hơn, tất nhiên rồi.

Dan Gilbert tác giả của cuốn- Tình cờ hạnh phúc. (Ảnh: A Drink With)

Thế nhưng số liệu điều tra thực tế lại cho kết quả đáng kinh ngạc, rằng, một năm sau khi trúng sổ xố và một năm sau khi bị liệt chân, mức độ hạnh phúc của họ là như nhau. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra khái niệm “thành kiến tác động” đã khiến não bộ chúng ta đánh giá sai thực tế qua việc trải nghiệm trong tưởng tượng.

Gần đây hơn, các nhà thần kinh học đã khám phá ra rằng chúng ta nhận biết được ít như thế nào về môi trường và hoàn cảnh sống của chính mình. Bộ não nhận được 10.000 tín hiệu mỗi giây từ thần kinh thị giác – trong đó chúng ta chỉ ý thức được 40 tín hiệu trong số đó.

Khoan chưa nói tới kết luận của Tachibana rằng cái tôi thật sự của con người là vô thức đúng hay sai, nhưng chúng ta đã có thêm một góc nhìn khách không thể phủ nhận rằng những mong mỏi, những phản ứng của chúng ta đôi khi không phải là thực tâm chúng ta muốn vậy, đó chỉ là những “quan niệm” khiến chúng ta tưởng đó là sự thật.

Và quan điểm về hạnh phúc cũng vậy. Đôi khi những “quan niệm” ấy còn gây áp lực lên những người xung quanh chúng ta.

Hạnh phúc của bạn có khi lại là bất hạnh của người khác

Mong mỏi về hạnh phúc của cô Lan có thể gây một áp lực lớn lên con gái. Và như thế, hạnh phúc của cô đang đè bẹp hạnh phúc của con gái mình.

Truy cầu hạnh phúc của anh Tâm có thể sẽ tạo thành sự xung đột trong tâm trí anh, vô tình dẫn tới sự chán ghét, chê bài, bất bình với vợ. Không xuất phát bằng sự đồng cảm và chia sẻ, hạnh phúc ích kỷ muốn thay đổi người khác sẽ chỉ khiến họ cảm thấy bức bối và quay lại tìm lỗi ở chúng ta.

Hạnh phúc của cô bé thích đi phượt sẽ khiến cô trở thành nô lệ của đồng tiền, cố gắng, nỗ lực kiếm tiền để được đi du lịch.

Hạnh phúc không thể có được bằng cách tìm kiếm ở ngoài, hạnh phúc thật sự ở bên trong bạn. (Ảnh: Pinterest)

Hạnh phúc của bạn là do người khác định nghĩa hộ?

Đôi khi hạnh phúc của chúng ta lại còn là do người khác định nghĩa hộ. Bạn chắc chắn rằng mục tiêu trước mắt là phải thi đỗ đại học, đạt được điều đó thì là hạnh phúc, nhưng đó là vì bố mẹ muốn thế. Bạn làm mọi cách để thăng tiến lên vị trí lãnh đạo và “thành kiến tác động” khiến bạn tưởng tượng ra khi có được nó sẽ rất hạnh phúc. Nhưng đó là thước đo thành đạt của xã hội, không phải thật sự của bạn. Bạn mặc bộ quần áo bó sát và cảm thấy hãnh diện, vui vui, hạnh phúc chỉ bởi vì nó đang là mốt…

Người ta thường hay phàn nàn rằng mình đã cố gắng tìm kiếm hạnh phúc mà không thấy. Giá như họ chỉ cần một lần nhìn lại và nghĩ một chút xem họ đã từng bao giờ có một mong muốn thực sự nào của mình chưa, họ sẽ biết câu trả lời cho sự khốn khổ của mình. Họ sẽ nhận thấy rằng những ước muốn, nỗ lực, ước mơ, tham vọng của họ đều có động lực là người khác hoặc phụ thuộc vào người khác.

Sự lạc lối trong thế giới ngoài bản thân chính chúng ta

Một khía cạnh khác của việc hướng ra ngoài bản thân để tìm cầu hạnh phúc là những khát khao, mong mỏi dường như vô tận của con người. Hàng ngày mở mắt ra, bạn đã có một loạt những dự định và mong muốn ở trong đầu, phải có được cái này cái kia, muốn làm việc này việc kia… Có rất nhiều những ham muốn và mộng tưởng.

Nếu bạn có được thì tất nhiên sẽ vui mừng, thích thú nên phải cố tranh giành, chiếm đoạt. Nhưng nếu không được thì buồn phiền, bất mãn rồi đâm ra thất vọng, hận thù. Cứ thế những mong muốn ngày càng dày đã che lấp không cho chúng ta thấy được sự thật, rằng bản thân mình thực sự không cần những thứ đó.

Bạn thấy hạnh phúc khi mua chiếc váy thuộc dòng sản phẩm mới của thương hiệu nổi tiếng kia vì nó rất đẹp và bạn sắp có một buổi tiệc long trọng. Nhưng bạn cũng có nhiều chiếc váy ở nhà mới chỉ mặc vài lần và nhìn ở một góc độ nào đó thì nó đều là trang phục, đều có cùng một chức năng. Cái ý nghĩ rằng bạn cần phải nổi bật và mặc một cái gì đó mới đến từ đâu? Đến từ sự ngưỡng mộ của người khác dành cho bạn, không phải đến từ tự thân của bạn.

Cuộc sống của chúng ta thì cứ hối hả xoay vần, chúng ta lại đang mộng tưởng với những ham muốn. (Ảnh: uteen.vn)

Chúng ta vẫn đang hàng ngày hàng giờ sa lầy trong thế giới bên ngoài bản thân mình. Và để thỏa mãn những đòi hỏi của bản thân, chúng ta càng ngày càng đi xa trên con đường “tìm kiếm những giá trị được người khác công nhận”, và đã quên mất chính mình.

Thân tâm chúng ta đã hoàn toàn bị phân tán và lạc lối trong thế giới đầy màu sắc, âm thanh, hương vị, và cảm xúc hấp dẫn bên ngoài. Kết quả là chúng ta gặt hái vô vàn phiền não khổ đau đằng sau những thú vui tạm bợ, mà chúng ta lầm tưởng là hạnh phúc.

Chúng ta không biết rằng chúng ta thiếu cái phẩm chất duy nhất để có hạnh phúc thực sự: đó là tự tại về tư tưởng. Không có sự tự tại, mọi thứ khác đều chỉ là ước lệ và phù phiếm.

Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20 tháng 3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày xuân phân, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này ngày và đêm có độ dài bằng nhau. Người ta cho đó là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa ước mơ và hiện thực từ đó ngày này được cho là sẽ truyền tải thông điệp rằng cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.

Khái niệm hài hòa của thời nay có thể khá tương đồng với quan điểm “Tùy kỳ tự nhiên” của người xưa. Đối với mọi việc đều không đặt tâm truy cầu, khi nắm trong tay thì nên trân trọng, nhưng khi mất rồi, không thể có thì cũng không tiếc nuối, ủ rũ. Bảo trì được một tâm thái lạc quan, hướng về phía trước, nhưng không đặt tâm quá nặng và cố ý theo đuổi, cũng không vì người khác mà tìm cầu hạnh phúc, không phụ thuộc vào người khác mang hạnh phúc tới cho mình. Thản nhiên đối đãi với cuộc đời mới là người có trí huệ.

Bạch Vân

Bình Luận
VIDEO NỔI BẬT
Hướng dẫn cập nhật thông tin hình ảnh chi sim viettel ngay tại nhà