Cuộc họp báo diễn ra ngay sau khi Thủ tướng chủ trì cuộc họp về BOT cùng ngày.
Phải nói là vị trí BOT 'chưa hợp lý'
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm về hệ thống các trạm BOT và đang rà soát. Chính phủ đã giao Bộ GTVT trong năm 2018 phải giải quyết cơ bản các vấn đề BOT.
Tuy nhiên, việc có di dời các trạm BOT bị phản ứng không, theo ông Thể, mỗi trạm BOT có vị trí ý nghĩa khác nhau, Bộ tiếp nhận ý kiến của người dân, các địa phương và xem xét từng dự án cụ thể.
Về trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng bất ổn tại các trạm BOT hiện nay, ông Thể cho rằng cơ quan, đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu làm sai do bối cảnh thời điểm lịch sử khác, chủ trương khác thì để cơ quan nhà nước phán xét.
“Nói BOT sai vị trí là không chuẩn, phải nói là vị trí 'chưa hợp lý', do thời điểm trước đây chủ trương như vậy là hợp lý, nhưng chủ trương thay đổi thì không còn hợp lý”, ông Thể nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi họp báo
Về giải pháp cho BOT Cai Lậy, ông cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải báo cáo phương án sau 1-2 tháng. Bộ đã báo cáo Chính phủ, nhưng Thủ tướng yêu cầu phải xử lý tổng thể, nên Bộ GTVT và các bộ ngành đang tiếp tục rà soát để Thủ tướng kết luận.
"Chúng tôi chưa thể cung cấp phương án nào, vì phương án nào cũng có tác động”, ông Thể nói.
Về trách nhiệm bản thân khi là người đặt bút ký hợp đồng BOT Cai Lậy, ông Thể khẳng định: “Tôi không có tư túi, lợi ích nhóm trong dự án BOT Cai Lậy, không bẻ cong sự thật. Phán quyết như thế nào thì Kiểm toán, UB Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc với toàn bộ các dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy. Cơ quan chức năng sẽ công bố đúng sai”.
7 bộ chịu trách nhiệm
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đa số dự án BOT do địa phương đề xuất, Bộ GTVT thấy phù hợp mới triển khai. Do đó, trách nhiệm của các địa phương là rất lớn, còn Bộ GTVT chịu trách nhiệm về mức đầu tư, phương án...
“Dự án BOT có 7 bộ ngành chịu trách nhiệm. Một số dự án BOT nóng, không chỉ có trách nhiệm của Bộ GTVT mà trách nhiệm của cả địa phương vì các địa phương đã đồng ý”, ông Thể nói.
Theo ông Thể, với một số dự án địa phương đề xuất di dời trạm BOT, Bộ GTVT không đủ thẩm quyền, vì Bộ cũng chỉ là một trong các bên, nên sẽ báo cáo Chính phủ tính toán.
BOT là vấn đề nóng
Về giải pháp đưa ra để tránh gây bất ổn xã hội khi một số trạm BOT bị phản ứng, người đứng đầu ngành giao thông cho hay, sẽ xem xét các phản ứng hợp lý của người dân để điều chỉnh cho tốt.
“Với phản ứng không chính đáng, ảnh hưởng đến dòng xe lưu thông là trái pháp luật. Bộ GTVT đã có chủ trương tất cả các trạm phải xả khi ùn tắc đến bao nhiêu km, nếu trạm nào không thực hiện, chính quyền địa phương sẽ xử lý nghiêm”, ông Thể nói.
Điểm nóng BOT đang lan rộng
Ông Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường thuỷ (Bộ Công an) cho biết, hiện còn 24 dự án BOT có vấn đề về an ninh trật tự. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an sẽ yêu cầu trích xuất camera, đối tượng nào cầm đầu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý. “Không để hình thành điểm nóng tại các trạm BOT”, ông Hà nói.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, điểm nóng BOT đang lan rộng tại phía Nam, từ trạm thu phí Cai Lậy, Trảng Bom - Biên Hoà đến Sóc Trăng. "Phản ứng của một nhóm tài xế ngày càng manh động, lan rộng đến cả những trạm thu phí của dự án khác, kể cả các dự án không đầu tư xây dựng tuyến tránh, như BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, Sông Phan (tỉnh Bình Thuận), trạm phía Bắc tỉnh Khánh Hoà, Ninh An, Cam Thịnh...", báo cáo nêu.
Về nguyên nhân, Bộ GTVT thừa nhận việc lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập, cũng như chất lượng dịch vụ kém, đường hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa.
“Việc các trạm BOT hiện nay trải đều, hàng chục trạm cùng hoạt động, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế”, ông Thể cho biết và lo ngại, nếu vấn đề BOT tiếp tục nóng lên, sắp tới sẽ rất khó kêu gọi đầu tư vào cao tốc Bắc - Nam.